Go Search
 

 CMS - Chuyên mục liên quan

Cục trưởng Cục Lãnh sự: Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự

Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan đã cập nhật tình hình di cư hiện nay và những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn tình trạng di cư trái phép.

Tình hình di cư vẫn phức tạp

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cùng với chính sách hạn chế đi lại và thắt chặt kiểm soát biên giới, số lượng người Việt Nam di cư trái phép ra nước ngoài giảm rõ rệt, tuy nhiên, vẫn nổi lên một số vụ việc phức tạp trong thời gian qua.

Tại châu Âu, trong 6 tháng đầu năm 2021 liên tiếp xảy ra các vụ việc đưa người di cư trái phép giữa các nước trong khu vực, chủ yếu là để đến Anh.

Bên cạnh đó, các đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang các nước láng giềng như Campuchia, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động tinh vi bất chấp quy định về xuất nhập cảnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

Phần lớn các đường dây này đưa người qua đường mòn lối mở, với thủ đoạn giới thiệu việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài được đăng tải công khai trên mạng xã hội.

Trong đó, tình trạng lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn đưa người ra nước ngoài làm việc nhàn hạ lương cao là một trong những thách thức hiện nay đối với công tác quản lý di cư nói chung và công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ra nước ngoài.

Nỗ lực toàn diện của Việt Nam

Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan cho biết, thời gian qua, công tác quản lý xuất nhập cảnh, đấu tranh, phát hiện ngăn chặn tình trạng di cư trái phép, đưa người di cư trái phép cũng như việc tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm đưa người di cư trái phép, những rủi ro khi di cư qua kênh không chính thức đã được tiếp tục đẩy mạnh.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác với các nước, các tổ chức có liên quan để kịp thời trao đổi, xử lý các vụ việc di cư trái phép và đưa người di cư trái phép.

Ví dụ như, chiến dịch Turquessa II của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) về chống tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép, Nhóm làm việc về triệt phá mạng lưới đưa người di cư trái phép và mua bán người trong khuôn khổ Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia có liên quan.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là kiên quyết phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức, đưa người di cư trái phép, mua bán người, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong suốt quá trình di cư.

Việt Nam cũng đã ban hành và hiện đang thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm di cư hợp pháp an toàn, cũng như quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.

"Đối với các vụ việc phát sinh trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực, chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này, chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực: tăng cường quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, cấp phát giấy tờ xuất nhập cảnh; đẩy mạnh xác minh nhân thân công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú hoặc trục xuất nhằm tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật", Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan cho biết.

Thời gian tới, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu, đi lại quốc tế sẽ diễn ra một cách bình thường, đồng thời cũng sẽ tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, do nhu cầu di cư vì việc làm, học tập, kinh doanh… tăng mạnh sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh.

Vì vậy, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành để đề ra các biện pháp phù hợp ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, di cư qua các kênh không chính thống và quan trọng hơn, để thúc đẩy các kênh di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, từ đó giúp người dân hiểu đầy đủ và có quyết định đúng đắn về việc di cư, tránh những rủi ro khi di cư thiếu an toàn.

Thỏa thuận GCM được chính thức thông qua tại Khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên hợp quốc tán thành. Đây là thoả thuận liên chính phủ bao trùm tất cả các khía cạnh của di cư quốc tế với mục đích tăng cường hợp tác về di cư quốc tế, qua đó góp phần giải quyết các thách thức của di cư và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư đối với sự phát triển bền vững.

Việt Nam thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018, đã ban hành và hiện đang tích cực thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.


Bản quyền của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam
Copyright by Consular Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Địa chỉ: 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội - Điện thoại: (+84 4) 3.7993125 - Fax: (+84 4) 3.8236928 - Email: cls.mfa@mofa.gov.vn