Go Search
 

 CMS - Chuyên mục liên quan

Thị thực Cô-oét

Những thông tin dưới đây do Đại sứ quán Cô-oét tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Cô-oét tại Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp


1. Những thông tin chung

  • Hiện nay Việt Nam và Cô-oét chưa kí hiệp định miễn thị thực nên mọi công dân Việt Nam khi vào Cô-oét cần phải có thị thực.
  • Thị thực có thể được cấp tại Đại sứ quán Cô-oét tại Hà Nội hoặc Tổng Lãnh sự quán Cô-oét tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Cô-oét tại Cô-oét. Việt Nam cũng nằm trong danh sách 37 nước mà công dân của những nước này có thể lấy thị thực tại sân bay quốc tế Cô-oét, nhưng chưa được chính thức công bố.
  • Có hai loại thị thực cơ bản là thị thực thăm thân (Visit visa) và thị thực cư trú (residence visa)


2. Thủ tục xin thị thực Cô-oét

a. Thị thực thăm thân (visit visa)

Thị thực thăm thân và phép nhập cảnh (entry permit) có giá trị trong 90 ngày từ ngày cấp và thời hạn lưu trú tại Cô-oét là 1 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Phí trả cho thị thực thăm thân là 3 KD (theo Kuwait Pocket Guide, 24th Edition, 2009). Phép nhập cảnh không mất phí.

Để có được thị thực thăm thân (Visit Visa) người xin thị thực cần phải có một người Cô-oét, hoặc một công ty Cô-oét hoặc một người họ hàng (relative) đã được cấp thẻ cư trú tại Cô-oét làm người bảo trợ (sponsor). Người bảo trợ sẽ nộp hồ sơ xin thị thực thăm thân cho người được bảo trợ vào Cô-oét vì người bảo trợ sẽ chịu trách nhiệm trong suốt thời gian người được cấp thị thực thăm thân lưu trú tại Cô-oét.

Để có được thị thực thăm thân( visit visa) cho doanh nhân, người bảo trợ người Cô-oét hoặc công ty Cô-oét cần phải nộp các giấy tờ sau:

  • Tờ khai xin thị thực (visa application form) và tờ khai an ninh (security form)
  • Bản sao hộ chiếu của người xin thị thực (visitor)
  • Bản sao chữ kí của người bảo lãnh ( chữ kí đăng kí đại diện cho doanh nghiệp Cô-oét)
  • Bản sao thư mời của người bảo trợ gửi công ty của người xin thị thực trong đó nêu rõ mục đích của chuyến thăm.
Để có được thị thực thăm thân (visit visa) cho người thân (relative) của mình, người nước ngoài đã có thẻ cư trú (residency) tại Cô-oét cần phải nộp các giấy tờ sau:
  • Tờ khai xin thị thực (visa application form) và tờ khai an ninh (security form)
  • Bản sao hộ chiếu của người xin thị thực (visitor)
  • Hộ chiếu gốc và bản sao hộ chiếu của người bảo trợ
  • Bản gốc và bản sao thẻ ID (như chứng minh thư do phía Cô-oét cấp) của người bảo trợ
  • Bản gốc và bản sao giấy phép lao động (work permit) của người bảo trợ (nếu làm việc trong khu vực tư nhân)
  • Giấy chứng nhận mức lương gần nhất do công ty của người bảo trợ cấp
  • Giấy chứng nhận quan hệ họ hàng, thân thích giữa người bảo trợ và người xin thị thực.

Lưu ‎ý:

  • Người được cấp thị thực thăm thân khi ở Cô-oét không được phép làm việc
  • Muốn xin thị thực thăm thân cho người thân thì người nước ngoài có thẻ cư trú tại Cô-oét phải có mức lương tối thiểu là 250 KD/tháng (tương đương 875 USD)
  • Nếu người được cấp thị thực thăm thân lưu trú tại Cô-oét quá thời gian cho phép (1 tháng) thì sẽ bị phạt tiền là 10KD cho mỗi ngày ở thêm tại Cô-oét. Tiền phạt sẽ phải trả tại sân bay quốc tế Cô-oét trước khi xuất cảnh khỏi Cô-oét hoặc tại Cục Nhập cảnh (Immigration Department) Cô-oét tại Shuwaikh trong giờ hành chính.
  • Nếu trong hộ chiếu có thị thực vào Israel thì dễ bị từ chối nhập cảnh Cô-oét hoặc gặp rắc rối khi làm thủ tục lên máy bay và nhập cảnh vào Cô-oét.


b. Thị thực cư trú (Iqama) hay còn gọi là giấy phép cư trú (residence permit)

Để sống và làm việc tại Cô-oét thì người nước ngoài (trừ những công dân các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh - GCC) cần phải có giấy phép cư trú. Người nào sinh sống tại Cô-oét mà bị phát hiện không có thị thực cư trú thì sẽ bị giam giữ, phạt và bị trục xuất. Có nhiều loại thị thực cư trú khác nhau được quy định theo các quy định nhập cảnh. Thông thường có 3 loại thị thực cư trú: thị thực làm việc (work visa), thị thực gia đình (Domestic Visa) - giành cho người giúp việc hoặc lái xe của các gia đình, thị thực người đi theo (dependent visa) -giành cho người đi theo). Tất cả các loại thị thực trên đều cần phải có người bảo trợ (sponsor). Tuy nhiên một người nước ngoài cũng có thể tự xin residency cho mình nếu người đó đã sống ở Cô-oét nhiều năm và có nguồn tài chính dồi dào.

Thông thường muốn được giấy phép cư trú người nhập cảnh vào Cô-oét phải có phép nhập cảnh (entry visa) trước rối sau đó trong vòng 1 tháng phải xin Giấy phép cư trú (residence permit) hay còn gọi là thị thực cư trú (residence visa). Mọi thủ tục xin residence permit sẽ được làm tại Cục Nhập cảnh và Hộ chiếu, Bộ Nội Vụ Cô-oét.


c. Thị thực quá cảnh (transit visa)

Thị thực quá cảnh có thể được cấp tại Cơ quan Lãnh sự của Cô-oét ở nước ngoài hoặc tại Tổng cục Cảng (Port Authority) tại Cô-oét . Thị thực quá cảnh có thời hạn là 7 ngày với phí là 2 KD(theo Kuwait Pocket Guide, 24th Edition, 2009). Người xin thị thực quá cảnh phải có thị thực còn giá trị vào nước thứ ba (trừ khi người ngày làm việc trên tàu thủy, hàng không) và vé máy bay vào nước thứ 3. Lái xe tải quốc tế và phụ xe của họ có thể xin cấp thị thực quá cảnh nhiều lần (multiple transit visa)

Hồ sơ xin giấy cư trú gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu) do người bảo trợ (sponsor) khai và kí
  • Hộ chiếu của người xin cấp giấy phép cư trú
  • Giấy phép lao động (Work permit) do người bảo trợ xin từ Bộ Lao động Xã hội Cô-oét
  • Giấy không phản đối (No- Objection Certificate) do người bảo trợ xin từ Tổng cục Điều tra Tội phạm, Bộ Nội vụ Cô-oét cấp sau khi cung cấp đầy đủ thông tin về người xin cấp giấy phép cư trú
  • Giấy chứng nhận y tế (do cơ quan có thẩm quyền của Cô-oét cấp)
  • Giấy chứng nhận về an ninh ( Security clearance- fingerprint- certificate) do cơ quan có thẩm quyền của Cô-oét cấp.
  • Sau khi được cấp thẻ cư trú (residency permit) thì người nước ngoài có thể bảo trợ cho người thân sang Cô-oét theo thị thực người đi theo (Dependent Visa)

Các thủ tục như đã nêu trong phần xin thị thực nói trên nhưng cần phải nộp thêm:

  • Giấy chứng nhận mức lương của người bảo trợ
  • Bản sao thẻ ID ( như giấy chứng minh thư) do phía Cô-oét cấp
  • Bản phô-tô hộ chiếu người xin đi theo (xin cấp thị thực người thân)
  • Bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy kết hôn có chứng thực

Lưu ‎ý:

  • Người lao động nước ngoài là nam giới (không thuộc khối GCC) có thể bảo lãnh cho vợ con mình sang sinh sống tại Cô-oét. Con trai trên 18 tuổi thì không được diện theo bố mà chỉ có thể xin thị thực thăm thân (visit visa). Tất cả con gái chưa lập gia đình đều có thể xin thị thực người đi theo để sống cùng bố mẹ tại Cô-oét. Người lao động nước ngoài là nữ tại Cô-oét không được bảo lãnh cho chồng, con sang sinh sống cùng mình tại Cô-oét.
  • Mức lương tối thiểu để người nước ngoài có thể bảo lãnh cho vợ con là 250KD/tháng (tương đương 875USD).
  • Một đứa trẻ nước ngoài được sinh ra tại Cô-oét thì bố mẹ của đứa trẻ này phải làm Iqama cho con. Đối với trường hợp này không cần mức lương tối thiểu. Trước tiên bố mẹ phải làm giấy khai sinh cho con tại bệnh viện nơi được sinh ra. Sau đó em bé phải được làm hộ chiếu riêng hoặc ghi tên vào hộ chiếu của bố hoặc mẹ. Sau đó sẽ tiến hành theo thủ tục như đã nêu ở trên.


3. Địa chỉ liên hệ

Đại sứ quán Cô-oét tại Hà Nội

10 Lê Hồng Phong, Q. Ba Đình

Tel: 04-38489955/66/77

Fax:: 04-38489988

E-mail: ktembvn@yahoo.com

Tổng Lãnh sự quán Cô-oét ại TP. Hồ Chí Minh

Tầng 5, Renaissance Saigon Hotel, 8-15 Tôn Đức Thắng, Quận 1.

Tel: 08-38220033/ 38247190

Fax: 08-38247290

Email: kuwaitconsulate@gmail.com

 


Bản quyền của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam
Copyright by Consular Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Địa chỉ: 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội - Điện thoại: (+84 4) 3.7993125 - Fax: (+84 4) 3.8236928 - Email: cls.mfa@mofa.gov.vn